Hà Nội, ngày 08/10/2024 – Buổi chia sẻ truyền thống vào thứ ba hàng tuần tại Công ty Cardina đã diễn ra trong không khí ấm cúng và tràn đầy cảm xúc. Khác với những buổi chia sẻ trước, chủ đề về công việc đã được thay thế bằng một câu chuyện ngắn đầy ý nghĩa được chính Phó giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn, anh Phạm Văn Hậu chia sẻ.
Mở đầu buổi chia sẻ, thay vì thông báo kế hoạch mới hay tổng kết hoạt động tuần qua, anh Hậu lại kể một câu chuyện giản dị về tình bạn giữa cậu bé và cây cổ thụ. Cây đã cho cậu bóng mát, hoa quả ngọt ngào, cành cây để cậu leo trèo. Lớn lên, cậu lấy quả cây bán lấy tiền mua đồ chơi, chặt cành cây xây nhà, thậm chí đốn cả thân cây để đóng thuyền ra khơi lập nghiệp. Cây cổ thụ luôn ở đó, âm thầm cho đi tất cả, không một lời oán thán.
Giọng anh Hậu chùng xuống khi đặt câu hỏi: “Qua câu chuyện này, chúng ta có thấy hình ảnh quen thuộc nào trong cuộc sống? Có khi nào chúng ta lãng quên, vô tình bỏ bê, thậm chí lợi dụng một “cây cổ thụ” nào đó?”
Khán phòng chợt lặng đi, mỗi người dường như đang tự soi chiếu bản thân qua câu chuyện đầy ẩn dụ. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại gợi ra bao suy ngẫm. Không khí của buổi chia sẻ dường như cũng đã chuyển sang một cung bậc khác, trầm lắng hơn nhưng cũng ấm áp và chân thành hơn.
Cậu bé, cây cổ thụ và những “gốc cây” bị lãng quên
Không số liệu khô khan hay kế hoạch “deadline căng thẳng”, câu chuyện cổ tích về cậu bé và cây cổ thụ bỗng chốc khiến khán phòng trở nên im ắng. Mỗi người qua lời kể trầm ấm của anh Hậu như được quay ngược thời gian, nhìn thấy chính bản thân trong hành trình trưởng thành từ “bóng mát” gia đình. Và có lẽ, đâu đó, ai cũng từng trở thành “cậu bé ích kỷ”, chỉ biết nhận lấy từ “gốc cây che chở” mà lãng quên sự hy sinh thầm lặng của cha mẹ.
Từ góc phòng Digitals, anh Tuấn Anh ngập ngừng chia sẻ về kỷ niệm tuổi thơ với vườn cây sau nhà. “Vườn cam ấy” hay “cây cổ thụ” kia chính là hình ảnh thân thuộc với tất cả chúng ta, nơi lưu giữ những ký ức về cha mẹ. Cây cho ta quả ngọt, cành lá, như cách cha mẹ đã dành trọn đời vun vén cho con cái.
Chị Ngọc – đại diện khối sản xuất lại gợi mở một góc nhìn khác với câu chuyện cây cổ thụ. Chị chia sẻ về gia đình mình – một gia đình nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà – nơi tình thân và sự nhường nhịn luôn là sợi dây kết nối các thành viên. ” Cây cổ thụ” của chị Ngọc không chỉ là cha mẹ, mà còn là ông bà, anh chị em – những “gốc rễ” cùng nhau tạo nên sự vững chắc cho gia đình.
Những chia sẻ chân thật từ trái tim
Buổi chia sẻ trở nên cảm động hơn khi chị Hương, nhân viên phòng thiết kế, nghẹn ngào tâm sự về cuộc sống gia đình: “Niềm vui lớn nhất của bố mẹ tôi là được khoe với mọi người ba đứa con học hành đến nơi đến chốn”. Dù được bố mẹ hỗ trợ nhiều về kinh tế, nhưng gia đình chị luôn động viên con cái tự lực trong cuộc sống, chỉ khi thực sự khó khăn, chị mới chia sẻ để nhận sự giúp đỡ.
Những câu chuyện mộc mạc, giản dị nhưng chạm đến trái tim mỗi người. Đặc biệt, bạn Trang, một nhân viên trẻ, chia sẻ về cách cô thể hiện tình cảm với bố mẹ: thăm nom đều đặn vào cuối tuần, mua quà, gửi tiền phụ giúp chi tiêu gia đình…
Linh (Web) – một cô gái trẻ khác – lại khiến cả phòng bật cười bởi chia sẻ chân thật: “Em thích tâm sự với bố mẹ. Hôm trước quạt phòng hỏng lúc 11 giờ đêm, em gọi điện nhờ bố hướng dẫn sửa qua video call!“. Đối với Linh, gia đình là “điểm tựa” bình yên mà cô có thể chia sẻ mọi thứ. “Bố mẹ em hiện đại lắm, thích đi uống cà phê với bạn, nên em chẳng sợ ông bà buồn chán!”.
Chẳng phải đi tìm đâu xa, chính những điều giản dị nhất ấy – ly cà phê, chiếc quạt hỏng, cuộc gọi điện thăm hỏi … – lại là sợi dây kết nối yêu thương, thể hiện sự quan tâm giữa cha mẹ và con cái. Và không phải chờ đến khi trở thành “cánh thuyền” ra khơi, chính lúc này đây, những “cây con” trẻ tuổi ấy vẫn có thể “hồi hương” theo cách riêng của mình.
Phần cuối buổi chia sẻ, anh Hậu tặng quà cho bạn Trang, khích lệ tấm lòng hiếu thảo của cô gái trẻ. Anh cũng gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người và nhắc nhở: “Tình cảm gia đình là điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Hãy trân trọng những “gốc cây” của mình khi còn có thể, vì thời gian không chờ đợi ai, và có thể ngày mai khi ta quay về, “gốc cây” ấy đã không còn nữa”.